Sách tướng cao văn khánh hồi ức lịch sử năm 2024

Chuyên mục "Cuốn sách tôi chọn" xin giới thiệu đến quý vị ấn phẩm "Tướng Cao Văn Khánh - Hồi ức lịch sử " của Nhà xuất bản Tri Thức. PGS.TS Cao Bảo Vân, tác giả của cuốn sách và cũng là con gái của tướng Cao Văn Khánh, đã dành 10 năm để thu thập tài liệu, gặp gỡ những chứng nhân lịch sử và ghi chép lại một cách chân thật nhất về ba của mình và về lịch sử của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

PGS.TS CAO BẢO VÂN - Tác giả cuốn sách “Tướng Cao Văn Khánh”: Tôi từng biết rất ít về cha mình. Chỉ biết ba là “bộ đội”, rằng đám cưới ba mẹ tổ chức trong hầm De Castries ngay sau chiến thắng Điện Biên Phủ, rằng ba là người duy nhất trong quân đội mang quân hàm đại tá 26 năm (1948 - 1974). Chúng tôi sống với những bức thư ba gửi từ mọi mặt trận suốt thời thơ ấu.

Sau khi ba mất tới 30 năm, cho tới một ngày tình cờ tham quan hầm ngầm D67 trong Hoàng thành Thăng Long, nơi đầu não Bộ Tổng Tham mưu làm việc trong thời gian chiến tranh, tôi mới thấy rất nhiều ảnh ba tôi chụp cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp và “Tổ trung tâm” điều hành Chiến dịch Hồ Chí Minh vào tháng 4/1975. Bộ ảnh làm tôi chấn động. Bất giác tôi tự hỏi vị trí của ba trong quân đội là gì? Ba đã suy nghĩ những gì và làm thế nào ông có thể kiên định đến như thế trong những lúc khó khăn gian khổ, vẫn vững lòng tin đi đến thắng lợi cuối cùng?

Từ đó, tôi bắt đầu tìm kiếm thêm thông tin về ba. Tôi đã lần theo con đường nam chinh bắc chiến ông đã qua, theo ảnh ba để lại tìm tới những người ông đã gặp, tự mình tìm kiếm những tài liệu rải rác còn lại, để trả lời cho những câu hỏi về cha mình, một trong những Khu trưởng trẻ nhất mà không phải Đảng viên từ năm 1945 và ông đã từng được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký lệnh làm Đại đoàn phó đầu tiên của Đại đoàn 308, Đại đoàn quân tiên phong, Đại đoàn đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Trong suốt 10 năm trời sau đó, tôi gắng không bỏ sót bất kỳ manh mối nào. Hồi nhỏ tôi nghĩ ba luôn thắng trong mọi trận đánh. Giờ thì tôi hiểu mỗi một chiến thắng đã được đúc kết từ bao nhiêu thất bại. Với vai trò và trách nhiệm của người chỉ huy chiến trường ông từng viết là “Không thể chiến thắng bằng mọi giá". Ông viết: “Trách nhiệm lớn nhất là làm sao để chiến thắng với thương vong ít nhất...”.

Tôi không phải nhà nghiên cứu lịch sử, tôi chỉ nhìn và lý giải lịch sử xuyên qua những trải nghiệm của cha mẹ và chính bản thân mình. Tìm hiểu để viết một cuốn sách về cha không ngờ lại cho tôi một cơ hội nhìn lại toàn bộ mấy mươi năm của chiến tranh Việt Nam.

Từ đó, tôi nhận ra vai trò dẫn dắt của người trí thức. Không phải bằng cấp mà là nền tảng văn hóa và tầm nhìn của người trí thức. Không chỉ thời bình, mà vai trò người trí thức trong thời chiến cũng rất lớn: chắt lọc cái đúng, loại bỏ cái sai. Có trí thức mới xây dựng được quân đội, rèn luyện được quân đội, giữ gìn được máu xương chiến sĩ.

Tôi cũng hiểu một điều, học lịch sử không chỉ là tiếp nhận những bài học trong sách giáo khoa. Sự thật lịch sử tồn tại ở từng gia đình, từ quá khứ người thân, từ chính cha ông chúng ta, những người đã tham gia bảo vệ và xây dựng đất nước. Hy vọng rằng quyển sách của tôi, dù còn nhiều hạn chế, đã phần nào nói lên được tất cả những điều đó một cách chân thực, khách quan nhất.

Trong 1 doanh nghiệp hay 1 cuộc chiến thành công, luôn có đóng góp cực kỳ quan trọng của những người then chốt. Họ chính là chìa khóa để làm nên thành hay bại của dự án. Vai trò tập thể – những người đi theo, thừa hành – chỉ là phụ, thực sự là vậy.

Khi nghe giới thiệu về quyển sách Tướng Cao Văn Khánh, mình có cảm giác là đây chính là một người như vậy. Đọc hết 800 trang chỉ trong vòng vài ngày, nhận định này càng rõ ràng hơn.

– Ông là khu trưởng khu 5, một trong 9 quân khu của cả nước sau CMT8 năm 1945, khi chỉ 28 tuổi. Ông là người thành lập đội cảm tử Ngô Mây nổi tiếng ở Trung bộ.

– Với kinh nghiệm đối đầu với quân Pháp, ông được điều ra Bắc năm 1949 làm Đại đoàn phó Đại đoàn chủ lực đầu tiên 308 của Quân đội Việt Minh. Ông là bộ óc của các chiến thắng lẫy lừng nhất của Việt Minh thời đó: chiến dịch Sông Thao, Biên giới, Tây Bắc, lẫn … Điện Biên Phủ.

– Chạm trán với Mỹ, ông là Phó tư lệnh mặt trận Tây Nguyên chỉ huy các trận đánh thắng đầu tiên của của quân chủ lực Bắc Việt với Mỹ: trận Sa Thầy, Đắk Tô, Khe Sanh… từ 1966-1968.

– Năm 1969 đến 1971, ông là tư lệnh binh đoàn B70, binh đoàn chủ lực phụ trách chặn đánh chiến dịch Lam Sơn 719, trận chạm trán lớn nhất của Bắc Việt và liên quân Mỹ – Việt Nam Cộng Hòa.

– Từ 1972, ông là tư lệnh mặt trận Trị Thiên, vùng đánh nhau khó khăn nhất thời đó với các trận thắng ở Quảng Trị, Cửa Việt.

– Sau hiệp định Paris, đầu 1974, ông về tổng hành dinh làm Phó Tổng tham mưu trưởng, là cánh tay phải của tướng Giáp, tham mưu chính trong suốt các trận sau đó: chiến dịch Hồ Chí Minh 1975, chiến tranh Biên giới 1979, v.v…

Về cơ bản, theo mình, các vị lãnh đạo cao nhất như tướng Giáp, Hồ Chí Minh, thì chỉ lãnh đạo chung, hay làm chính trị, còn công việc cụ thể từng trận đánh như tự mình đi trinh sát, bố trí quân vị trí nào, chiến thuật gì, huấn luyện, tập dợt cho từng trận đánh ra sao thì phải do những người như tướng CVK này triển khai. Sự thành công của quân đội Bắc Việt, nói không ngoa chính là nhờ có tài năng của những vị tướng thế này. Tuy nhiên ông rất khiêm tốn, không tự mình kể công, trả lời phỏng vấn nên suốt mấy chục năm qua ít ai biết đến công lao.

Dõi theo cuộc đời Tướng Cao văn Khánh, gần như đầy đủ cuộc chiến tranh Việt nam hiện ra trước mặt, từ những năm 1930 đến tận sau 1980. Tác giả sách, con gái ông là PGS, tiến sĩ được đào tạo từ Nga, Pháp, nên làm công việc tổng hợp và trình bày lại tất cả các sự kiện khá rõ ràng và lôi cuốn.

Đọc những cuốn sách này, sau 50 năm cuộc chiến kết thúc, nhiều góc khuất hay con người được bộc lộ thẳng thắn hơn. Đó điều thú vị.

– Những cuộc chỉnh huấn do Trung cộng xúi dục, thanh trừng những sĩ quan có gốc gác trí thức cũng được đề cập. Đơn cử như chính ông CVK bị đì với quân hàm đại tá suốt 26 năm trời, không được lên lon. Con trai ông bị loại phút cuối không được đi đào tạo tại Liên Xô chỉ vì cha mình có lý lịch lợn cợn gì đó, dù đang là tướng, công trạng hiển hách đầy mình.

– Tướng bần cố nông Văn Tiến Dũng là chủ mưu chỉ đạo tấn công trực diện Quảng Trị, Thừa thiên, nướng quân trong thành cổ Quảng Trị năm 1972, quân Bắc Việt phải rút chạy. Một chiến thắng rõ ràng hiếm hoi của quân Việt Nam Cộng hòa.

Cuốn sách vẫn có một điểm yếu cố hữu như các sách xuất bản trong nước vẫn là nêu lên các gian khổ, thiếu thốn mà ít đề cập đến các ủng hộ to lớn về mặt vật chất, hậu cần của khối XHCN cho quân đội Bắc Việt. Các chiến dịch như Khe sanh, Lam sơn, Quảng Trị… quân Bắc Việt nã hàng ngàn quả đạn pháo mỗi ngày từ đâu ra, lương thực đâu nuôi các binh đoàn mấy chục ngàn người trong rừng … đại loại như vậy.

Vẫn còn rất nhiều chi tiết, nhiều con người thú vị trong sách, mà kể ra hết thì không đủ. Thôi thì chỉ giới thiệu vài dòng để các bạn tham khảo thêm.

https://www.facebook.com/tuongcaovankhanh

Cám ơn các bạn hữu, Huỳnh đã đặt mua dùm, Dũng đem ra sân bay cho người nhà…. mà mình mới có được cuốn sách này.