Thầy, cô thường sử dụng phương pháp đánh giá hỏi - đáp trong dạy học như thế nào?

15h ngày 22.12, Báo Lao Động phối hợp vớiTrung tâm dịch vụ số MobiFone chi nhánh Tổng Công ty Viễn thông MobiFone tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Nâng cao hiệu quả dạy và học trực tuyến thích ứng với dịch COVID-19". Chương trình được tường thuật trực tiếp trên Báo Lao Động điện tử (http://laodong.vn) và fanpage của Báo Lao Động.

Buổi toạ đàm có sự tham dự của các khách mời:

PGS-TS Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Cô Nguyễn Bích Thủy giáo viên Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội).

Ông Nguyễn Văn Hạnh Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ số MobiFone chi nhánh Tổng Công ty Viễn thông MobiFone.

Thực trạng dạy học trực tuyến trong bối cảnh dịch COVID-19

MC: Với tư cách là những phụ huynh, nhà quản lý giáo dục, chuyên gia, theo các vị khách mời, đến thời điểm hiện tại, việc dạy và học trực tuyến trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đã đạt được kết quả ra sao? Trước tiên, tôi xin dành câu hỏi cho PGS-TS Nguyễn Xuân Thành - đại diện Bộ GDĐT.

- PGS.TS Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo):

Ngành giáo dục đã tổ chức dạy học trực tuyến trong bối cảnh COVID-19 bắt đầu sau khi dịch bệnh bùng phát, từ kỳ 2 năm học 2019 - 2020 cho đến tận bây giờ. Giữa các đợt dịch bùng phát, cũng có những giai đoạn học sinh được đến trường nhưng giải pháp dạy học trực tuyến vẫn được duy trì. Trong quá trình triển khai, ban đầu, Bộ GDĐT đã có các văn bản hướng dẫn (khi chưa có thông tư) để nhà trường thực hiện đảm bảo kết quả. Tinh thần là tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học, kết nối thầy trò trong suốt quá trình tạm dừng đến trường để phòng chống COVID-19.

Thầy, cô thường sử dụng phương pháp đánh giá hỏi - đáp trong dạy học như thế nào?
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) trao đổi với phóng viên Báo Lao Động

Để chuẩn bị cho kế hoạch dài hơi, Bộ GDĐT đã ban hành Thông tư 09/2021/TT-BGDĐT, quy định tất cả những điều kiện tổ chức dạy học trực tuyến.

Qua phóng sự do Báo Lao Động thực hiện, có thể thấy việc triển khai dạy học trực tuyến đã được thực hiện tại các nhà trường, địa phương. Ban đầu cũng có những khó khăn nhất định, những lúng túng ban đầu. Nhưng sau đó dần dần chúng ta thích nghi, năng lực công nghệ thông tin của thầy cô, học sinh tăng lên vượt bậc.

Tất nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn những khó khăn, vướng mắc. Đầu tiên là cơ sở hạ tầng. Hai là nguồn học liệu học trực tuyến. Ba là năng lực khai thác, sử dụng của thầy cô là một phần nhưng vẫn còn khó khăn từ phía học trò, như: Thiết bị, khả năng tự học của học sinh. Với những em học sinh độ tuổi càng nhỏ thì càng khó khăn.

Thời gian vừa qua, thầy trò đã khắc phục tốt và phụ huynh đồng hành rất tốt. Tại nhiều địa phương, việc học được duy trì. Nhiều địa phương, nhà trường thực hiện vừa dạy học vừa kiểm tra, đánh giá trực tuyến, đảm bảo chất lượng, yêu cầu theo Thông tư 09. Chúng tôi đánh giá các địa phương thực hiện cơ bản đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc chúng ta sẽ cùng nhau từng bước tháo gỡ.

Trong phóng sự vừa rồi, các thầy cô cũng nêu ra các khó khăn trong quá trình triển khai dạy học trực tuyến. Học sinh học trực tiếp tương tác với thầy cô, bạn bè tốt hơn, hiệu quả hơn. Học trực tuyến khả năng tương tác kém, một số nội dung học tập chưa được như trực tiếp, chúng ta sẽ có giải pháp, tháo gỡ cho các thầy cô.

Thời gian qua, ngoài văn bản hướng dẫn, Bộ cũng đã biên soạn tài liệu bồi dưỡng, tăng cường năng lực dạy học trực tuyến cho các thầy cô, triển khai tập huấn cho giáo viên cốt cán và bộ tài liệu đã được gửi đến các nhà trường, thầy cô.

Tài liệu này không chỉ có các bài hướng dẫn, mà trong đó, có cả video clip cụ thể, hướng dẫn thầy cô sử dụng công nghệ thông tin, từ việc tổ chức bài học như thế nào, xây dựng các video bài giảng hỗ trợ ra sao, giao cho học sinh thực hiện nhiệm vụ học tập như thế nào để trước giờ dạy trực tuyến, các em đã có sản phẩm thảo luận, mục đích rút ngắn thời gian ngồi trong lớp học ảo, tương tác trực tiếp với thầy cô, bạn bè để giờ học hiệu quả, tích cực hơn, không bê nguyên bài học, thời khóa biểu học trực tiếp sang học trực tuyến.

Như vậy, vừa đáp ứng yêu cầu phát triển năng lực học sinh, đồng thời khắc phục những hạn chế của việc học trực tuyến: đem lại căng thẳng tâm lí, mệt mỏi khi ngồi trước màn hình lâu, như phản ánh của các thầy cô trong thời gian qua. Tôi hy vọng việc này sẽ được từng bước giải quyết để đảm bảo chất lượng dạy và học trực tuyến.

MC: Cảm ơn những chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Xuân Thành. Chúng ta sẽ lắng nghe thêm tiếng nói từ cơ sở - những người trực tiếp dạy học trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Từ thực tiễn, cô Nguyễn Bích Thủy có thể chia sẻ cách nhà trường triển khai dạy và học trong thời gian qua? Giáo viên, học sinh có thuận lợi gì và đâu là những khó khăn cần giải quyết?

- Cô Nguyễn Bích Thủy - giáo viên Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội): Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh là một trong những trường đi đầu trong việc dạy học trực tuyến ở thủ đô. Ngay từ đầu năm 2020 khi dịch COVID-19 bùng phát, chúng tôi đã triển khai dạy học trực tuyến.

Thầy, cô thường sử dụng phương pháp đánh giá hỏi - đáp trong dạy học như thế nào?
Cô Nguyễn Bích Thủy - giáo viên Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội)

Lúc đầu, hình thức học đơn giản, Ban Giám hiệu và thầy cô tìm một công cụ dạy học để phục vụ công tác giảng dạy và tương tác giữa thầy và trò qua Internet đó là phần mềm là Zoom. Tuy nhiên, sau đó chúng tôi nhận thấy rằng, cần đồng bộ hơn giữa dạy học, kiểm tra đánh giá và công tác quản lý của nhà trường. Vì vậy, trường chúng tôi luôn luôn tìm hiểu, nghiên cứu và phối hợp cùng các tập đoàn viễn thông để xây dựng và phát triển một nền tảng học trực tuyến có hệ thống.

Đến thời điểm này, tôi tự tin nói rằng, thầy trò chúng tôi đã sử dụng rất thành thạo các hệ thống quản lý dạy học và thi trực tuyến.

MC: Tôi muốn nghe thêm chia sẻ của ông Nguyễn Văn Hạnh Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ số MobiFone. Với những kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, cũng là một phụ huynh, theo ông, việc triển khai dạy học trực tuyến tại các nhà trường thời gian qua có những ưu/nhược điểm gì?

Ông Nguyễn Văn Hạnh Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ số MobiFone: Cá nhân tôi đánh giá, việc dạy học trực tuyến thời gian qua có nhiều ưu điểm. Trong thời gian ngắn các nhà trường và thầy cô giáo đã tiếp cận nhanh chóng với công nghệ dạy học trực tuyến, nhất là các công nghệ nước ngoài nổi bật như Zoom, Google Meet. Ưu điểm là vẫn đảm bảo việc dạy học diễn ra xuyên suốt, không để việc ngừng đến trường mà dừng việc học. Các sản phẩm này chất lượng khá tốt, từ hình ảnh, nghe nhìn, đến các tính năng cơ bản như chia sẻ màn hình, trò chuyện đều được thực hiện dễ dàng.

Thầy, cô thường sử dụng phương pháp đánh giá hỏi - đáp trong dạy học như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Hạnh Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ số MobiFone

Ngoài ra, một số giải pháp đào tạo trực tuyến trong nước cũng bắt đầu được triển khai và đạt một số thành quả nhất định.

Còn về nhược điểm, trước hết về phía nhà trường: Các giải pháp của nước ngoài chỉ đáp ứng việc tổ chức 1 lớp học trực tuyến, nhưng không thể quản lý được trường học. Tiếp đó, phải sử dụng nhiều ứng dụng, phần mềm khác nhau (dạy học, quản lý, giao bài, kiểm tra, thi, báo cáo) rất phức tạp và không đồng bộ. Giải pháp sử dụng phần mềm của nước ngoài chưa đảm bảo môi trường sư phạm an toàn, do các link học tập được mở tự do, các thành phần xấu dễ dàng phá lớp.

Về phía học sinh và phụ huynh, có quá nhiều link lớp học, link bài tập, dẫn tới học sinh và phụ huynh khó theo dõi. Ngoài ra, phụ huynh cũng lo ngại an toàn lớp học khi có những thành phần xấu chia sẻ các video độc hại.

MC: Vâng, cảm ơn những chia sẻ của ông Nguyễn Văn Hạnh. Đúng là trong việc dạy học online thì công nghệ là vấn đề quan trọng. Chỉ cần đường truyền ngắt quãng thì cảm xúc của giáo viên, tư duy của học sinh cũng bị ảnh hưởng, hiệu quả của tiết học cũng giảm đi rất nhiều. Trong quá trình dạy học, cô Thủy đã gặp tình huồng nào như vậy chưa và cách khắc phục là gì?

Cô Nguyễn Bích Thủy - giáo viên Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội): Đường truyền bị ngắt kết nối là vấn đề không thể tránh khi học online. Có rất nhiều câu chuyện dở khóc, dở cười khi dạy trực tuyến. Ví dụ như, cô đang say sưa, bài giảng rất cao trào, học sinh tự nhiên hỏi: Cô ơi, con không nghe thấy gì, từ nãy đến giờ cô đang nói gì ạ?. Lúc bấy giờ, cảm hứng giảng dạy của giáo viên bị ảnh hưởng.

Hoặc khi chúng tôi gọi học sinh tương tác, kiểm tra mức độ hiểu bài của các con bằng cách đưa ra câu hỏi và yêu cầu các con trả lời. Nhưng, các con rất hồn nhiên và vô tư trả lời rằng: Con không nghe rõ cô hỏi gì ạ, con không trả lời được.

Thực sự, chúng tôi vẫn phải thông cảm cho các con vì có những khó khăn chưa thể khắc phục được như đường truyền chưa tốt và bị ngắt quãng.

MC: Chúng ta vừa nghe những chia sẻ của các khách mời tại trường quay Báo Lao Động về những khó khăn, thách thức khi dạy học trực tuyến. Bây giờ chúng ta sẽ kết nối với điểm cầu Bộ GDĐT. Thưa ông Nguyễn Xuân Thành, ông vừa nghe những chia sẻ từ thực tiễn của giáo viên và đại diện đơn vị công nghệ, viễn thông. Ông có đồng tình với các nhận định mà các khách mời vừa đưa ra về chất lượng của dạy học trực tuyến không ạ?

Ông đánh giá những khó khăn này có nguyên nhân từ đâu, do kỹ năng công nghệ của giáo viên còn hạn chế, thiếu hướng dẫn từ phía cơ quan quản lý, hay nguyên nhân nào khác?

- PGS-TS Nguyễn Xuân Thành:

Trước hết, khó khăn về công nghệ. Việc dạy học trực tuyến không phải chỉ là truyền hình trực tuyến như chúng ta đang nói đến trong tọa đàm. Dạy học trực tuyến nếu đúng và thực sự tốt đúng như ông Hạnh đã nêu: cần có hệ thống quản lí việc học trực tuyến, hệ thống quản lí nội dung dạy học trực tuyến đây là những nội dung chúng tôi đã đưa ra trong thông tư 09.

Bên cạnh đó, những hoạt động dạy học dành cho học sinh khi học trực tuyến, trực tiếp theo các lớp học truyền hình là khó khăn vì không phải có được đường truyền ổn định nhất để tương tác với một lúc hàng chục học sinh. Nhất là khi học sinh ở nhiều nơi khác nhau.

Khó khăn thứ hai đến từ nguồn học liệu học trực tuyến. Nguồn học liệu dạy học trực tuyến của chúng ta chưa được thiết kế, xây dựng, hoàn thiện trong việc giúp học sinh có khả năng chủ động khai thác để học tập có hiệu quả trước khi vào lớp học trực tuyến.

Khó khăn thứ 3 đến từ người tương tác. Các thầy cô hiện tại phải thiết kế bài học trực tuyến với giáo án khác với dạy trực tiếp. Khi tương tác trực tiếp, cô hỏi trò đáp, không có thời gian chết, việc hỏi đáp trong không gian lớp học thuận lợi hơn.

Trong không gian mạng, những khó khăn cô Thủy nêu là hoàn toàn đúng. Tất nhiên, có khó khăn từ phía học trò, kĩ năng sử dụng công nghệ thông tin. Chẳng hạn như việc tắt mở mic mỗi khi phát biểu.

Tôi mong muốn các thầy cô, nhà trường nghiên cứu kĩ tài liệu hướng dẫn của Bộ GDĐT, đồng thời đổi mới phương pháp giảng dạy. Trong dạy học trực tiếp cũng không phải hỏi đáp liên tục với học trò. Tôi vẫn hay nói Một giờ học đổi mới phương pháp dạy học- là một giờ học cơ bản tĩnh để học sinh có thời gian học tập tư duy độc lập và có thời gian trả lời câu hỏi thầy cô đưa ra thay vì hỏi tức thì và trả lời ngay.

Muốn dạy học sinh phát triển năng lực, giờ học tích cực phải là giờ học cơ bản tĩnh, có thì giờ cho học sinh tư duy độc lập, trả lời câu hỏi thầy cô nêu.

Trong tài liệu hướng dẫn dạy học trực tuyến chúng tôi đã nêu rõ làm thế nào giảm thời gian giảng trên lớp học trực tuyến, cố gắng để học sinh lên lớp không phải chỉ ngồi nghe cô giảng như trên lớp học trực tiếp.

Bộ cũng đã hướng dẫn thầy cô sản xuất video clip hỗ trợ học trực tuyến. Các video không cần tốn kém, trong 5, 10 phút gửi học sinh nghiệm thu với những câu lệnh rõ ràng. Như vậy, không phải ngồi trước màn hình để nghe cô giảng. Học sinh có thể chủ động nghe trước, khi lên lớp học trực tuyến giảm thiểu được thời gian ngồi nghe cô giảng bài. 1 tiết học 45 phút có thể rút xuống 30 phút. Lúc đó, học sinh trả bài cho cô trước khi khi vào lớp học trực tuyến, gọi từng em, từng nhóm, có thời gian trình bày, học sinh nhận xét và giáo viên kết luận. Như vậy, có nhiều sự tương tác, khắc phục được hạn chế khi cô hỏi đáp liên tục.

Những điều này trong văn bản hướng dẫn đã có. Mong các thầy cô nghiên cứu kĩ, xây dựng kịch bản dạy học trực tuyến phù hợp hơn.

MC: Thời điểm năm 2020, ngay từ khi bùng phát dịch COVID-19, ngành Giáo dục đã yêu cầu các địa phương linh hoạt trong phương thức dạy học kết hợp trực tuyến, trực tiếp, dạy qua truyền hình. Trong đó, xác định dạy học trực tuyến không còn là giải pháp tạm thời mà là giải pháp lâu dài để thích ứng với dịch bệnh. Nhưng rõ ràng, việc dạy học trực tuyến ở VN còn gặp rất nhiều khó khăn, trong đó yếu tố công nghệ đã được phía giáo viên, Bộ GDĐT nhắc tới. Là một nhà cung cấp cả ứng dụng học trực tuyến và cung cấp dịch vụ Intenret, ông Nguyễn Văn Hạnh có quan điểm ra sao và kiến nghị những giải pháp gì để việc dạy học trực tuyến được bài bản, chuyên nghiệp, đạt hiệu quả tốt nhất?

- Ông Nguyễn Văn Hạnh: Chúng tôi nhận thấy việc dạy học và quản lý trường học trực tuyến không chỉ xác định là áp dụng do dịch bệnh, mà giáo dục số thực sự là xu hướng chung của toàn xã hội thời đại mới. Nhà trường và thầy cô trong thời gian qua cũng có phần thích nghi quan điểm này và dần dần tiếp cận, sử dụng công nghệ mới chủ động, hiệu quả hơn.

Quý vị dễ dàng thấy đến các em bé mầm non đã có thể truy cập mạng xã hội, Youtube, Tiktok, tải các ứng dụng; học sinh tiểu học, trung học đã biết tự tìm kiếm thông tin, kiến thức trên mạng. Thực hiện chủ trương chuyển đổi số giáo dục, nhà trường, giáo viên và toàn ngành đang chuyển mình, đổi mới để đào tạo nên một thế hệ mới hội nhập, văn minh, cả về công nghệ lẫn nội dung.

Thầy, cô thường sử dụng phương pháp đánh giá hỏi - đáp trong dạy học như thế nào?

Để việc dạy học trực tuyến đạt hiệu quả tốt nhất, tôi cho rằng, nhà trường nên tiếp cận với các giải pháp giáo dục có tính năng LMS (quản lý trường học trực tuyến Learning Management System) song song với dạy học trực tuyến live-class để có thể quản lý toàn bộ nhân sự, các hoạt động dạy và học, các hoạt động liên lạc, kế toán 1 cách chuyên nghiệp và hiệu quả.

Tiếp đó, nên tiếp cận giải pháp all-in-one, tức là các hoạt động trên cùng một ứng dụng/ giải pháp để việc quản lý được đồng bộ, dễ dàng. Ngoài ra, nên tiếp cận các giải pháp từ các nhà cung cấp trong nước được thiết kế để phù hợp với các nghiệp vụ sư phạm của Việt Nam và có nhân sự trong nước hỗ trợ 24/7.

Hiện tại MobiFone cũng đã triển khai bộ giải pháp chuyển đổi số giáo dục mobiEdu đáp ứng các yêu cầu trên, sẵn sàng đồng hành cùng quý nhà trường và thầy cô không chỉ đáp ứng dạy học online mà còn đồng hành lâu dài trên con đường chuyển đổi số.

MC: Còn theo cô Thủy, cô có đề xuất và kỳ vọng ra sao để dạy học trực tuyến trở thành giải pháp lâu dài, giúp ngành Giáo dục thích ứng linh hoạt trong trạng thái bình thường mới?

- Cô Nguyễn Bích Thủy giáo viên Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh:Căn cứ từ thực tế tại trường, khi trường chúng tôi thực hiện dạy trực tuyến trên nền tảng dạy học có tính hệ thống và quản lý thì hiệu quả của việc học trực tuyến được nâng lên rất nhiều.

Nếu có thể, Bộ GDĐT tìm cách phối hợp với các tập đoàn để tạo ra nền tảng dạy học trực tuyến của ngành. Từ đó, các cơ sở giáo dục dựa trên nền tảng đó để triển khai dạy học trực tuyến đồng bộ và thống nhất. Như vậy, sẽ tăng khả năng quản lý và nâng cao hiệu quả, chất lượng của giờ học trực tuyến, chất lượng giáo dục cũng được bảo đảm.

Bên cạnh đó, tôi mong rằng Bộ GDĐT sẽ quan tâm hơn về vấn đề bồi dưỡng giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và tổ chức các lớp học chính khóa để nâng cao trình độ của giáo viên.

Khi giáo viên được đào tạo chính quy về khả năng ứng dụng công nghệ, chúng tôi sẽ sử dụng tốt các công cụ trong phần mềm dạy học, như vậy chất lượng buổi học sẽ được nâng cao.

MC: Và không thể thiếu giải pháp về công nghệ, ngành thông tin truyền thông, các doanh nghiệp viễn thông sẽ có sự đồng hành ra sao cùng ngành Giáo dục để biến thách thức thành cơ hội, không chỉ nâng cao hiệu quả dạy học trực tuyến mà còn đẩy mạnh việc chuyển đổi số trong lĩnh vực này?

Ông Nguyễn Văn Hạnh Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ số MobiFone: Trước tiên để đáp ứng nhu cầu dạy và học trực tuyến thời điểm COVID, MobiFone ra mắt phân hệ mobiEdu mSchool để hỗ trợ nhà trường và giáo viên tổ chức lớp học trực tuyến dễ dàng, với các công cụ hỗ trợ như điểm danh tự động, bảo mật chặn người ngoài. Điểm khác biệt của mobiEdu là tổ chức trường học lớp học cơ bản tương thích với nghiệp vụ giáo dục truyền thống, đó là: mobiEdu hỗ trợ các trường học tạo website riêng của trường, dạy học, quản lý, giao bài tập, tổ chức thi trên cùng 1 nền tảng. Website này giống như 1 trường học thực, chỉ dành cho học sinh, giáo viên và nhân sự của trường mới có thể đăng nhập. Đối với giáo viên và học sinh, chỉ cần truy cập vào website của trường là có thể yên tâm giảng dạy, học tập, quản lý bài tập, kiểm tra tiến độ học tập của mỗi học sinh. Những điểm mạnh khác như giao bài, chấm bài tập, bài kiểm tra, bài thi tự động giúp tiết kiệm rất lớn thời gian, qua đó giáo viên có thể tập trung vào nâng cao chất lượng bài giảng của mình.

Như vậy không chỉ áp dụng hiệu quả trong mùa dịch mà giải pháp còn giúp nhà trường và giáo viên từng bước chuyển đổi số giáo dục theo xu thế của thời đại mới.

MC: Vâng, cảm ơn những chia sẻ của ông Hạnh. Thách thức lớn của Việt Nam là hiện có trên 1,8 triệu học sinh không có bất kỳ thiết bị gì trong tay để học tập trực tuyến. Thực tế này còn cấp bách hơn trước khi đánh giá xem các cháu học được gì qua đợt học trực tuyến vừa qua. Trước thực trạng này, Bộ GDĐT sẽ có những giải pháp, chiến lược gì đảm bảo quyền được học tập của tất cả học sinh trong điều kiện dịch bệnh?

- PGS-TS Nguyễn Xuân Thành Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học: Nguyện vọng có hệ thống dạy học trực tuyến toàn ngành là mong muốn chính đáng. Nhưng chúng ta hình dung con số, chúng ta có hơn 16 triệu học sinh, hơn 30 ngàn trường trên khắp 63 tỉnh thành. Không dễ gì có hệ thống chung lớn đến như vậy, cần sự tham gia của các lực lượng xã hội.

Chính vì vậy, Thông tư 09 của Bộ GDĐT ban hành hạ tầng công nghệ thông tin phải đáp ứng các yêu cầu đấy, các nhà mạng cung cấp hệ thống mạng cho các địa phương, các nhà trường và việc sử dụng. Ngoài hệ thống, còn vấn đề liên quan đến nguồn liệu học trực tuyến, làm sao để phát triển, hỗ trợ các thầy cô.

Công cụ không phải chỉ là máy tính mà là những học liệu số trên hệ thống để thầy cô dễ dàng tìm kiếm, đưa vào bài giảng, khai thác sử dụng có hiệu quả. Bộ cũng đang tiếp tục triển khai thực hiện vấn đề này. Không ai khác, chính các thầy cô sẽ là người đóng góp để hoàn thiện.

Hiện nay, cuộc thi bài giảng E learning đang tổ chức được các thầy cô tham gia, đóng góp sáng kiến.

Nhìn xa hơn, quy chế, quy định, tiêu chuẩn thực hiện cũng như quản lý chung trên toàn ngành, có hệ thống cơ sở dữ liệu ngành làm sao đạt chuẩn kết nối, chuẩn dữ liệu để liên thông được các hệ thống với nhau. Còn quá trình lựa chọn có thể nhà trường, địa phương thực hiện sao cho phù hợp.

Nguyện vọng được bồi dưỡng, tập huấn của các thầy cô là nguyện vọng rất chính đáng. Bộ GDĐT sẽ tiếp tục thực hiện việc này theo tiêu chí đã ban hành, đặc biệt trong giai đoạn triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Đặc biệt, kỹ năng công nghệ thông tin không phải chỉ là thao tác sử dụng máy tính mà kĩ năng quan trọng nhất là sử dụng công nghệ thông tin để thiết kế kế hoạch giảng dạy khoa học, đúng theo tinh thần đổi mới phương pháp, sử dụng hiệu quả và linh hoạt. Như thế, chúng ta tổ chức cho học sinh học tập hiệu quả, linh hoạt. Nếu có hệ thống MLS hoặc NCMS, việc học sinh có tài khoản, thầy cô có tài khoản, học sinh có thể truy cập xem video, nguồn tài liệu, các nội dung, đề mục thầy cô giao,... Những điều này chúng ta cũng từng bước phát triển hướng đến việc giảm nhẹ công việc của thầy cô. Dần dần sẽ hiệu quả hơn trong việc dạy và học trực tuyến.

Những đề xuất của cô Thủy hoàn toàn chính đáng và thời gian tới Bộ sẽ tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.

Còn về giải pháp để hỗ trợ học sinh thiếu phương tiện học trực tuyến, đây đúng là một thực tế. Vì vậy, một mặt phát triển hệ thống, 1 mặt hỗ trợ học sinh có cơ hội tiếp cận: có sóng, Internet, thiết bị.

Vừa rồi Chính phủ dựa trên đề xuất của Bộ GDĐT, kết hợp Bộ TTTT, tổ chức triển khai chương trình Sóng và máy tính cho em, hỗ trợ các em học sinh khó khăn.

Qua quá trình triển khai rất nhiều tỉnh linh hoạt thực hiện. Nhiều nơi cấp máy tính, nhiều nơi có thư viện máy tính cho các em mượn máy tính học trong 1 giai đoạn, sau đó, khi các em đã có điều kiện sẽ trao máy tính lại cho các em học sinh khác, dần từng bước 1 để tất cả các em có cơ hội tiếp cận.

Có những em học sinh chưa có khả năng tiếp cận, chúng tôi đã hướng dẫn địa phương, nhà trường thực hiện cách nào đấy để hỗ trợ học sinh. Ví dụ trường hợp dịch bệnh ở khu vực chưa quá căng thẳng, có thể chia thành nhóm học sinh để tương trợ lẫn nhau, dùng chung 1 màn hình cũng là giải pháp.

Nhiều nơi khó khăn nữa, học sinh không có cách tiếp cận, thầy cô lặn lội đến từng gia đình đưa bài tập đến tận tay thầy cô.

Chúng tôi rất mong muốn không có bất kỳ học sinh nào bị bỏ rơi trong giai đoạn khắc phục khó khăn vì dịch COVID-19

MC: Vâng, đẩy mạnh chuyển đổi số nhưng đồng thời phải tạo ra cơ hội học tập, tiếp cận giáo dục bình đẳng cho mọi đối tượng học sinh. Để làm được điều đó, nỗ lực của riêng ngành Giáo dục là chưa đủ. Tôi xin dành câu hỏi cho phía đại diện của MobiFone về những chia sẻ và đồng hành của đơn vị công nghệ, viễn thông với thầy và trò trên cả nước, để không ai bị bỏ lại phía sau, bị lỡ cơ hội học tập khi dịch bệnh còn phức tạp như hiện nay?

- Ông Nguyễn Văn Hạnh Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ số MobiFone:

Năm học 2021-2022, MobiFone miễn phí hoàn toàn cho các trường công lập trên toàn quốc triển khai sử dụng mobiEdu tới hết năm học. Đồng hành cùng Chính phủ trong chương trình Sóng và máy tính cho em, MobiFone đã phân phối 100.000 sim edu dành cho các bạn học sinh khó khăn (con số vẫn tiếp tục tăng thêm), với 4Gb data mỗi ngày để các bạn học trực tuyến, kèm theo 3 tài khoản vip học tập trên các nền tảng tự học ôn luyện, học tiếng Anh giúp các bạn không bỏ lỡ việc học chính khóa và còn tiếp cận với các ứng dụng, website học tập chất lượng cao khác.

Đồng thời, MobiFone cũng đã tổ chức 8 hội thảo giáo dục dành riêng cho các thầy cô tại website giaoducphothong.mobiedu.vn. Tại đây, các chuyên gia giáo dục cũng đã chia sẻ các cách thức, lời khuyên để dạy học trực tuyến, quản lý học sinh sao cho hiệu quả, đồng thời chúng tôi có cung cấp các khóa học kỹ năng mềm, tài liệu chia sẻ miễn phí giúp thầy cô trở thành người thầy 4.0.

MC: Kính thưa quý vị và các bạn, chúng ta vừa nghe chia sẻ của các vị khách mời về những thực trạng và kiến nghị các giải pháp để việc dạy và học trực tuyến đạt hiệu quả tốt nhất.

Có thể thấy hai năm qua, đa số các trường học tại Việt Nam chưa có sự chuẩn bị về nền tảng công nghệ, giáo viên chưa có đầy đủ kỹ năng, nhưng vì dịch ập đến, chúng ta buộc phải chuyển sang dạy trực tuyến. Khó khăn và thách thức còn rất nhiều, Bộ GDĐT cũng đã công nhận dạy học trực tuyến trở thành phương thức dạy học chính thức trong nhà trường và nhấn mạnh các yêu cầu về cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống phần mềm, học liệu dạy học trực tuyến Tuy nhiên, để việc dạy học trực tuyến đạt hiệu quả như kỳ vọng của xã hội, để biến thách thức thành cơ hội chuyển đổi số trong Giáo dục, vẫn là bài toán khó và cần một chiến lược dài hạn từ ngành Giáo dục và sự chung tay của cả xã hội. Đây cũng chính là chủ đề của phần II tọa đàm do Báo Lao Động tổ chức hôm nay.

Biến thách thức thành cơ hội chuyển đổi số trong giáo dục

MC: Thưa các vị khách mời, tại phiên chất vất trong kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, trước những băn khoăn của đại biểu về chất lượng dạy học trực tuyến, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã nhấn mạnh, việc chuyển sang dạy học trực tuyến không phải chỉ có việc của riêng Việt Nam. Đây là việc cả thế giới phải làm. Nhiều nước phát triển khi chuyển sang dạy học trực tuyến toàn thời gian cũng không tránh khỏi những thách thức. Để đánh giá được kết quả, hiệu quả của việc dạy học trực tuyến, cần một cuộc điều tra và khảo sát khi các em quay lại trường.

Tuy nhiên, hiện nay tình hình dịch bệnh vẫn rất phức tạp, học sinh nhiều nơi, nhiều cấp học vẫn chưa biết thời điểm nào có thể trở lại trường.

Liên quan đến việc đánh giá hiệu quả của dạy học trực tuyến, hiện nay, thưa cô Nguyễn Bích Thủy, tại cơ sở, việc tổ chức kiểm tra, đánh giá học sinh trong quá trình dạy học trực tuyến đang được nhà trường thực hiện như thế nào, có gặp khó khăn gì không?

- Cô Nguyễn Bích Thủy: Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh rất chủ động, sáng tạo và linh hoạt trong việc kiểm tra, đánh giá. Ngay từ cuối học kỳ II của năm học 2020-2021, nhà trường đã tổ chức kiểm tra học kỳ bằng hình thức trực tuyến và tiếp tục ứng dụng, triển khai với các kỳ kiểm tra khảo sát, chất lượng cho học sinh lớp 6.

Đến thời điểm này, chúng tôi nhận được phản hồi tích cực từ học sinh và phụ huynh. Có được sự phản hồi tích cực đó, tôi nghĩ rằng, nền tảng chúng tôi đang ứng dụng dạy học trực tuyến có rất nhiều công cụ hỗ trợ giảng bài, đặc biệt là hỗ trợ tổ chức các kỳ thi. Ví dụ như, công cụ giúp giáo viên soạn đề, trộn đề, phát đề, xem lịch sử làm bài của học sinh, theo dõi và cảnh báo những lần học sinh vi phạm trong quá trình làm bài.

Nhờ những công cụ đó, chúng tôi đã tiến hành tổ chức kiểm tra thi nghiêm túc, đạt yêu cầu về sự công bằng thi cử. Tôi cho rằng, nhà trường đã có những thành công nhất định khi kết quả làm bài kiểm tra, đánh giá trực tuyến phản ánh tương đối chính xác năng lực của học sinh.

Thầy, cô thường sử dụng phương pháp đánh giá hỏi - đáp trong dạy học như thế nào?
Cô Nguyễn Bích Thủy - Giáo viênTrường THCS-THPT Lương Thế Vinh

MC. Cảm ơn những chia sẻ của cô. Hiện nay đang có nhiều ý kiến khác nhau về việc đến trường kiểm tra cuối kỳ hay kiểm tra bằng hình thức trực tuyến. Băn khoăn lớn nhất là làm sao đảm bảo an toàn cho học sinh và đảm bảo chất lượng, đánh giá đúng năng lực học sinh. Bộ GDĐT có lưu ý gì với các địa phương, cơ sở giáo dục để việc kiểm tra đánh giá đảm bảo chất lượng, không gây áp lực cho học sinh, đặc biệt là với những cấp học đang triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới như lớp 1, lớp 2, lớp 6?

- PGS.TS Nguyễn Xuân Thành Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học: Ngay cả học trực tiếp cũng phải đảm bảo chất lượng kiểm tra, đánh giá. Chúng tôi đã có điều chỉnh trong Thông tư số 56/2011/TT-BGDĐT cũng như thông tư mới ban hành cho chương trình mới là Thông tư 22. Trong đó, việc triển khai, đánh giá là thường xuyên, theo tinh thần kiểm tra đánh giá sự tiến bộ của người học. Việc kiểm tra thường xuyên được thầy cô đánh giá ngay trong quá trình dạy học. Có thể kiểm tra đánh giá nhiều lần, sau đó lựa chọn một số kết quả. Như vậy, trong dạy học trực tuyến cũng thực hiện như trên.

Hình thức kiểm tra đánh giá thường xuyên gồm nhiều hình thức: Hỏi đáp, viết, đánh giá qua sản phẩm học tập, qua bài thực hành, bài thí nghiệm Tất cả đã có trong quy định.

Kiểm tra đánh giá định kỳ, bản chất đã rút rất nhiều bài so với trước đây (còn 4 bài kiểm tra đánh giá định kỳ). Việc kiểm tra định kỳ cũng tương tự như trên, không phải chỉ riêng mỗi bài kiểm tra. Kiểm tra có thể trên giấy hoặc trên máy tính, nhưng theo thông tư quy định có thể qua bài thực hành hoặc dự án học tập để các thầy cô, nhà trường lựa chọn hình thức kiểm tra đánh giá định kỳ phù hợp với nội dung đánh giá của các môn học sao cho đạt hiệu quả tốt nhất.

Học trực tuyến cũng thế, tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ cũng được quy định tại Thông tư 09, trong đó, giao cho hiệu trưởng nhà quyết định hình thức kiểm tra đánh giá trong trường hợp bất khả kháng không thể đến trường. Ở đó có quy định yêu cầu đánh giá đảm bảo yêu cầu khách quan, trung thực, công bằng, đánh giá đúng năng lực học sinh.

Như những chia sẻ của cô Thủy, thì nhà trường đã thực hiện đúng. Bộ GDĐT đã giao quyền cho các nhà trường. Các nhà trường quyết định cách thức thực hiện như thế nào đảm bảo công bằng, minh bạch rõ ràng, đặc biệt đánh giá đúng năng lực học sinh.

Bài kiểm tra đánh giá định kỳ, kết quả đánh giá định kỳ phù hợp với kiểm tra đánh giá thường xuyên, đó là đánh giá đúng năng lực học sinh.

Có nhiều giải pháp để thực hiện điều này. Trong đó, ngay cả đề kiểm tra cũng phải thực hiện theo quy định tại thông tư: Kiểm tra, đánh giá theo đúng quy định về sự phát triển phẩm chất và năng lực người học. Đặc biệt, với lớp 1, 2, 6 triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, định hướng phát triển năng lực của học sinh. Trong thông tư 22 quy định rõ, đánh giá sự phát triển về kết quả rèn luyện, học tập của học sinh. Như vậy, đề kiểm tra làm sao đáp ứng yêu cầu theo quy định. Thậm chí bài kiểm tra mở, học sinh không nắm chắc kiến thức, mở vở vẫn không đạt điểm cao. Chưa kể loại bài kiểm tra vấn đáp, thực hành khi học trực tiếp đều rất tốt.

Việc lo gian lận, tôi đã nói với thầy cô nhưng đồng thời kêu gọi cha mẹ nhiều lần. Kiểm tra chỉ là nhất thời. Bản thân bố mẹ cần nghiêm khắc để kiểm tra con đạt được năng lực đến đâu chứ không phải phó mặc cho nhà trường. Nếu chỉ vì điểm 9 điểm 10 so với cả cuộc đời, sự trung thực có đáng không?

Tôi mong muốn các bậc phụ huynh, nhìn nhận đánh giá định kỳ trực tuyến ở khía cạnh tích cực, đánh giá đúng năng lực người học thay vì lo lắng gian lận. Tất nhiên, kiểm tra trực tuyến cũng có những biện pháp giám sát qua camera, theo dõi, trông thi bình thường chứ không phải phó mặc cho các em.

Bộ GDĐT không thể nào đưa ra quy định chung áp dụng cho hàng triệu giáo viên, học sinh. Chúng tôi rất đồng tình, chia sẻ và mong nhà trường sẽ thực hiện tốt việc dạy học, kiểm tra đánh giá trực tuyến.

MC: Cảm ơn những chia sẻ của ông, nhưng hiện nay, vấn đề làm thế nào để đảm bảo chất lượng khi kiểm tra thường xuyên và định kỳ bằng hình thức trực tuyến vẫn nhận ý kiến trái chiều. Rất nhiều cơ sở giáo dục gặp khó khăn về hạ tầng kỹ thuật để thực hiện việc này, Bộ GDĐT có giải pháp gì tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở giáo dục hay không?

- PGS.TS Nguyễn Xuân Thành: Tháo gỡ khó khăn về hạ tầng kỹ thuật, Bộ GDĐT đã có những chính sách, cách khuyến khích, tham mưu Chính phủ, các bộ ngành, đặc biệt là các địa phương để có giải pháp hỗ trợ.

Tuy nhiên, về hạ tầng kiểm tra đánh giá vẫn có những trục trặc, ví dụ đang kiểm tra rớt mạng, khi kiểm tra bình thường, kiểm tra định kỳ điểm đột biến tăng cao, Thậm chí, có những em trong quá trình kiểm tra thường xuyên định kỳ đột biến điểm cao,.. Về những vấn đề này, các nhà trường cũng đã có quy chế, nếu kiểm tra đánh giá định kỳ có kết quả bất thường so với kiểm tra thường xuyên có thể kiểm tra đánh giá lại (Có thể cao hơn hoặc thấp hơn do tâm lí,..).

Khi đã có quy chế, tất cả sẽ áp dụng, quan trọng nhất là công khai minh bạch, tuân thủ theo quy định, tháo gỡ những khó khăn, bất thường xảy ra trong quá trình dạy học.

MC: Còn phía đại diện của đơn vị công nghệ, ông Nguyễn Văn Hạnh có quan điểm ra sao khi lắng nghe những giải pháp mà ngành Giáo dục vừa đưa ra. Để đảm bảo công bằng, đánh giá đúng chất lượng dạy và học khi học tập trực tuyến thì cần những điều kiện gì?

Ông Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ số MobiFone: Đúng là tổ chức thi trực tuyến không thể đảm bảo tương đương 100% như thi truyền thống. Với giải pháp lớn như mobiEdu, chúng tôi phát triển để đáp ứng tối đa yêu cầu trong việc tổ chức thi online, như: mobiEdu tự động xáo trộn câu hỏi trong 1 đề, tự động tạo ma trận đề để các học sinh có đề kiểm tra/ thi khác nhau; có hệ thống chống copy paste đề và câu hỏi ra ngoài, thi kèm bật camera giám sát từng học sinh, cảnh báo gian lận

Về lâu dài, thi/kiểm tra trực tuyến không chỉ áp dụng trong thời điểm giãn cách xã hội, mà nên áp dụng cả vào trường học truyền thống theo mô hình online-offline; tức thi trên máy được tổ chức tại trường hoặc có giáo viên giám sát.

Nếu mỗi trường có 1 phòng máy, hoặc học sinh có thể mang theo máy cá nhân, thì việc tổ chức thi sẽ rất nhanh chóng và minh bạch. Việc sử dụng ma trận đề sẽ giúp cho ca thi trước và sau không ảnh hưởng đến nhau, học sinh thi xong ngay lập tức có kết quả Mỗi học sinh có báo cáo kết quả của mình theo từng giai đoạn, từng môn, có phân tích điểm mạnh, yếu cụ thể để có định hướng học tập của riêng mình. Đó mới là điều chúng tôi hướng tới.

MobiEdu cũng đã đưa ra hình thức luyện tập theo cơ chế Adaptive Learning học tập thích ứng để cá nhân hóa lộ trình theo từng học sinh, giáo viên có thể định hướng cơ bản, giao và quản lý chung, còn hệ thống sẽ tự động phân bổ nội dung nào phù hợp với học sinh nào. Như thế giáo dục sẽ thực hiện được mục tiêu lâu dài là đào tạo nên những người học tốt đến xuất sắc theo năng lực của mỗi cá nhân.

MC: Vâng, cảm ơn những chia sẻ của đại diện MobiFone. Còn cô Nguyễn Bích Thủy, cô có đồng tình với những giải pháp mà các khách mời đã đưa ra và có thêm kiến nghị, đề xuất gì không?

- Cô Nguyễn Bích Thủy: Tôi nghĩ rằng những giải pháp do đại diện Bộ GDĐT và đại diện Mobifone vừa đưa ra rất tốt, nếu có thể thực hiện thì thầy trò chúng tôi sẽ rất vui mừng.

Bên cạnh đó, giải pháp nâng cao chất lượng của việc kiểm tra, đánh giá theo hình thức trực tuyến là nhà trường phải cố gắng tạo ra hệ thống quy chuẩn, có lộ trình giám sát, đảm bảo tính trung thực và sự công bằng cho học sinh.

Theo đó, thầy cô phải thay đổi, thay đổi hình thức đưa ra câu hỏi kiểm tra, thay đổi hình thức kiểm tra đánh giá. Từ đó, giảm bớt áp lực cho giám thị trông thi sợ học sinh gian lận.

MC: Vâng, gần đây chúng ta nhắc nhiều đến cụm từ chuyển đổi số trong giáo dục. Trong đó, những nỗ lực để nâng cao chất lượng dạy học trực tuyến được coi là một trong những bước chạy đà quan trọng để thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục. Nhưng chuyển đổi số không chỉ có dạy học trực tuyến, mà cao hơn là phải đào tạo ra những thế hệ công dân số, để thích ứng với tình hình mới. Ngành Giáo dục đã có chiến lược ra sao để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, thưa ông Nguyễn Xuân Thành?

- PGS.TS Nguyễn Xuân Thành: Về chuyển đổi số trong giáo dục, đây là vấn đề đặt ra với ngành giáo dục cũng như các ngành khác trong bối cảnh thời đại công nghệ. Bộ GDĐT cũng đã có hành động từ đầu năm, xây dựng đề án chuyển đổi số đối với giáo dục.

Chuyển đổi số đòi hỏi nhiều yếu tố: Hạ tầng, thiết bị, dữ liệu, đặc biệt là những dữ liệu lớn đáp ứng nhu cầu của cuộc sống cũng như học tập và công tác.

Với việc này, Bộ GDĐT đang xây dựng, bắt đầu tính toán đến chuyển đổi số. Nhưng quan trọng nhất là người dùng. Người sử dụng lại cũng chính là người sản xuất.

Nhìn một cách tổng thể, trong cuộc chuyển đổi số, cần có năng lực trước hết sử dụng trong quá trình công tác, học tập từ thầy cô cũng như học sinh.

Đây không phải chương trình đào tạo riêng mà tích hợp trong quá trình dạy học trong chương trình. Chương trình ở đây không phải mình môn Công nghệ thông tin mà trong tất cả môn học, từng bài học một.

Như chúng ta đang tổ chức dạy học trực tuyến đây chính là quá trình vừa trang bị kiến thức cho học sinh để phát triển năng lực học sinh ở nhiều mặt khác nhau, năng lực chung, năng lực đặc thù,

Với quá trình sử dụng như vậy, học sinh được sử dụng các thiết bị công nghệ, có tư duy sử dụng công nghệ, vừa tham gia khai thác, dẫn tới việc sáng tạo trên cơ sở các bài tập, các yêu cầu, hướng dẫn học tập của thầy cô liên quan đến lĩnh vực này. Chúng ta vừa đáp ứng yêu cầu dạy học theo chương trình. Nhưng đồng thời, chuẩn bị cho các em năng lực số, bắt đầu vận hành từ lúc còn đang học. Để sau này bước vào giai đoạn chọn nghề, ra trường dù làm ở bất kỳ lĩnh vực, ngành nghề nào, năng lực đó vẫn theo các em để phát triển.

Các thầy cô, một mặt tổ chức dạy học, quá trình dạy học phải thiết kế bài giảng, cần sáng tạo. Dữ liệu sinh ra từ cơ sở, từ người trong quá trình tham gia các hệ thống như vậy. Trong quá trình này sẽ đào tạo được thế hệ công dân ở thời đại số, thực hiện mục tiêu chuyển đổi số không chỉ trong ngành giáo dục mà các ngành nghề khác trong xã hội.

MC: Còn các khách mời khác có hiến kế gì không, để phát huy được những ưu điểm của dạy học trực tuyến, không chỉ nâng cao chất lượng dạy học, mà còn góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho nền kinh tế số?

- Ông Nguyễn Văn Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ số MobiFone: MobiFone luôn sẵn sàng đồng hành cùng ngành giáo dục nói chung và các trường học, giáo viên nói riêng để triển khai giải pháp trường học số.

Nhân diễn đàn này, chúng tôi xin có vài đề xuất: Việc đầu tiên đó là sự xác định chuyển đổi số giáo dục là cơ bản và lâu dài, không chỉ nhất thời giai đoạn COVID-19.

Thứ hai, quý Nhà trường có thể tham khảo các giải pháp dạy trực tuyến và quản lý trường học từ các công ty công nghệ Việt Nam để phù hợp với môi trường sư phạm đặc thù.

Thứ ba, các thầy cô có thể tìm hiểu các công cụ tạo bài giảng, tham gia các hội thảo giáo dục chuyên sâu và chúng tôi có chia sẻ tại website giaoducphothong.mobiedu.vn như là 1 kênh tham khảo.

Chúng ta chỉ cần bình tĩnh từng bước tiếp cận với một tốc độ phù hợp. Ví dụ bước cơ bản đầu tiên là nhà trường nên có 1 website điện tử, thầy cô bắt đầu chuẩn bị giáo án trên các công cụ số mới, áp dụng dần cách thức mô hình lớp học đảo ngược, đó là hướng dẫn để học sinh cùng tham gia trong việc xây dựng bài giảng với mình. Đó là cơ hội cho các em tiếp cận tri thức 1 cách chủ động, hiểu bài hơn, nhớ bài hơn, đồng thời các em cũng là 1 nguồn lực đồng hành cùng nhà trường xây dựng những kho bài giảng số chất lượng, do khả năng tiếp cận công nghệ của các em tốt hơn.

Tiếp theo áp dụng dần cách thức giao bài online trên hệ thống số, hỗ trợ chấm bài tự động, thi online offline, phân tích năng lực và quá trình tiến bộ của học sinh, các hình thức liên lạc, quản lý chuyên nghiệp hóa

Giải pháp MobiEdu đã có sẵn các công cụ hỗ trợ giáo viên và học sinh thiết lập môi trường dạy, học đáp ứng các điều trên.

Công nghệ sinh ra để hỗ trợ chúng ta. Quản lý sẽ chuyên nghiệp hơn, giảng dạy hiệu quả hơn, kết quả học tập chất lượng hơn. Mỗi thầy cô chủ động, mỗi nhà trường chủ động sẽ tạo nên 1 sức mạnh chuyển đổi rất lớn trong toàn ngành giáo dục. Và chúng tôi sẵn sàng đồng hành cùng với quý vị.

Thầy, cô thường sử dụng phương pháp đánh giá hỏi - đáp trong dạy học như thế nào?

- Cô Nguyễn Bích Thủy giáo viên Trường THCS THPT Lương Thế Vinh: Theo tôi, giải pháp nâng cao hiệu quả dạy học trực tuyến có 2 vấn đề chính là yếu tố con người và cơ sở hạ tầng. Để thực sự nâng cao hiệu quả dạy học trực tuyến, thầy và trò chúng tôi cần thay đổi. Trò phải thay đổi tư duy và thói quen, thầy phải thay đổi cách dạy và soạn giáo án khi dạy học trực tuyến. Đó là những việc cần làm ngay bây giờ.

MC: Quý vị và các bạn thân mến! Chúng ta vừa lắng nghe những trao đổi của các khách mời xoay quanh chủ đề Nâng cao hiệu quả dạy và học trực tuyến thích ứng với dịch COVID-19

Thưa quý vị và các bạn, dịch bệnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc dạy và học nhưng cũng là cơ hội, động lực để ngành Giáo dục thay đổi mạnh mẽ về phương thức dạy học theo hướng phát huy nội lực, ý thức tự giác của người học.

Việc chuyển đổi từ trạng thái học tập trực tiếp sang trực tuyến còn nhiều thách thức, khó khăn. Nhưng trong hoàn cảnh dịch bệnh, với nỗ lực, sự sáng tạo và đồng hành của toàn xã hội, chúng ta tin tưởng ngành giáo dục sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học.

Trong buổi tọa đàm, các khách mời đã có những chia sẻ thẳng thắn, kiến nghị nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng việc dạy và học trong điều kiện dịch bệnh, vì mục tiêu chung là đảm bảo an toàn, vì quyền lợi cho tất cả học sinh.

Chương trình tọa đàm của Báo Lao Động xin được dừng tại đây. Xin cảm ơn các vị khách mời đã có những chia sẻ quý giá và xin hẹn gặp lại quý vị ở chương trình tiếp theo.

Xin trân trọng cảm ơn!